Việc một số ngân hàng thông báo tạm dừng giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS) thời gian qua để loại bỏ nhà đầu tư phụ thuộc đòn bẩy tài chính và các nhóm đầu cơ, khiến nhiều người băn khoăn. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: NHNN không có chủ trương siết tín dụng BĐS, chỉ kiểm soát chặt “rủi ro” cho vay trong lĩnh vực này.
Ngân hàng vẫn cho dự án bất động sản hiệu quả vay, không phân biệt lớn hay nhỏ
Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, những từ siết, dừng, thắt… được dùng khá nhiều trong thời gian qua khi nói về tín dụng với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Thế nhưng thực chất, NHNN chưa bao giờ nói, cũng như chưa có văn bản nào đề cập đến việc siết, hay thắt tín dụng bất động sản. Vì vậy dù rất bận, ông Tú chia sẻ, vẫn sắp xếp đến tham dự để nắm bắt thông tin từ phía các doanh nghiệp (DN), chuyên gia và thông tin chính xác về quan điểm của NHNN đối với tín dụng BĐS.
Theo đó, chính sách nói chung của ngành ngân hàng (NH) có 2 nguyên tắc, mục tiêu quan trọng. Thứ nhất là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền – đây là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung dài hạn. Thứ 2 là đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng không dẫn đến đổ vỡ sẽ gây ra hệ lụy rất nhiều. “Nếu năng lực, hệ số tài chính của NH yếu kém…, quốc tế đánh giá uy tín quốc gia thấp thì lập tức ảnh hưởng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nên không thể để NH yếu kém. Chính vì thế 2 mục tiêu này xuyên suốt trong xây dựng cơ chế chính sách NH”, ông Tú nhấn mạnh.
Phản ứng của các doanh nghiệp bất động sản trước thông tin không siết chặt tín dụng
Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước”, các doanh nghiệp kỳ vọng, trong nửa cuối năm nay, dòng vốn tín dụng cho bất động sản sẽ được khơi thông, gỡ khó cho thị trường.
Nếu trước đây, thời gian thực hiện một giao dịch mua bán nhà ở chỉ mất 1 – 2 ngày thì sau khi có thông tin kiểm soát tín dụng đã kéo dài đến 10 ngày, vì người mua phải tìm nguồn vốn vay thay thế. Do đó, khi có chỉ đạo không siết tín dụng một cách bất hợp lý giúp kỳ vọng hoạt động kinh doanh nửa năm còn lại sẽ khả quan hơn.
Theo các chuyên gia, xét về nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn so với các giai đoạn trước. Ngoài ra, các dự án đang hình thành trong tương lai cũng là dòng vốn lớn mà doanh nghiệp có thể huy động. “Chỉ cần bỏ ra khoảng 10 – 15% chúng ta đã có những dòng tiền vô và nếu đến 30% trong đó có ngân hàng cho vay thì chúng ta đã bắt đầu thu tiền khách hàng. Nguồn vốn của các công ty bất động sản Việt Nam là rất thuận lợi và rất nhiều so với các công ty bất động sản khác trên thế giới”, TS Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng đánh giá.
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, nửa đầu năm, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đối diện với nhiều vấn đề thiếu hụt nguồn cung, lệch pha phân khúc, thanh khoản sụt giảm… thì khơi thông tín dụng rất cần thiết. Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội kiến nghị ngân hàng tiếp tục cho các chủ đầu tư vay, dự án dự án có tính khả thi lẫn cá nhân, gia đình tiếp cận vốn vay.
Nguồn: https://diaoc5sao.vn/