Lần đầu phỏng vấn xin việc sẽ là một trải nghiệm khiến bạn căng thẳng và lo lắng.Tương tác trực tiếp với nhà tuyển dụng là cơ hội duy nhất của bạn để tạo ấn tượng lâu dài và giúp bạn có được công việc đầu tiên. Nhưng làm thế nào bạn có thể đạt được điều này? Dưới đây là những mẹo nhỏ sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt khi lần đầu tiên đi phỏng vấn xin việc, hãy cùng tham khảo nhé!
Mẹo đi phỏng vấn xin việc
Tìm hiểu về công ty
Bạn đã bắt đầu quá trình nghiên cứu với một bộ hồ sơ tốt, và giờ là lúc để bắt đầu đặt cược: Tìm hiểu thêm về chức năng nhiệm vụ, những thành tựu và sự kiện quan trọng của công ty. Bạn cũng cần đọc các thông tin trên các kênh truyền thông xã hội song song với tìm hiểu thông tin về ngành nghề, sự cạnh tranh và người sẽ phỏng vấn bạn. Bạn càng biết nhiều, bạn càng cảm thấy tự tin.
Ngoài việc nghiên cứu các thông tin về công ty, bạn cũng cần đi sâu vào công việc của chính mình. Một số điều cần nắm vững ở đây bao gồm nhiệm vụ, trách nhiệm với vai trò là gì? Những kỹ năng hoặc kinh nghiệm nào bạn cần có? Mức lương và phúc lợi nào mà bạn sẽ được nhận? Các trang web tìm kiếm việc làm sẽ rất hữu ích để tham khảo mức lương phù hợp cho từng vị trí công việc khác nhau.
Trang phục phù hợp
Quần áo bạn lựa chọn mặc đi phỏng vấn phải trông thật chuyên nghiệp, hãy thoải mái và bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn. Tìm hiểu về văn hóa của công ty và cách mọi người ăn mặc trước khi quyết định mặc gì (có thể mặc vest khi phỏng vấn tại ngân hàng, hay mặc những bộ quần áo thông thường khi tới các công ty quảng cáo,…). Và hãy nhớ rằng nếu bạn chưa bao giờ mặc vest và muốn mặc tới dự phỏng vấn, hãy luyện tập trước một chút. Đừng quên đánh bóng giày của bạn và đảm bảo rằng không có vết rộp nào trên giày khi bạn ra khỏi nhà.
Luyện tập nhuần nhuyễn các câu hỏi khởi động
Có thể cược rằng bạn chắc chắn sẽ phải nói đôi điều với người phỏng vấn về bản thân bạn, lý do bạn nên được tuyển dụng và những mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Hãy luyện tập trước các câu trả lời nhưng đừng có vẻ như cố gắng học thuộc. Đừng chỉ ghi nhớ những thông tin trong CV của bạn và gần như đọc hết ra khi được hỏi về bản thân. Sẽ là thông minh nếu bạn chỉ tham khảo những thông tin đó vì có vẻ như là người phỏng vấn đã có một bản thông tin đó trước mặt rồi, chỉ nhắc tới những sự kiện hay những điểm chính khi cần thiết, và đảm bảo bạn luôn thêm những câu chuyện thú vị về những thông tin đã nêu trong CV của bạn.
Chuẩn bị kỹ cho những câu hỏi khó
Sao bạn không nói cho tôi biết về những điểm yếu của bạn nhỉ? Đây là cách mà bạn sẽ ghi điểm với những câu hỏi khó như vậy: Chọn lấy một điểm yếu của bản thân và khéo léo biến nó thành một điểm mạnh liên quan đến công việc. “Tôi là một người hơi thiếu kiên nhẫn, chỉ đơn giản là vì tôi muốn hoàn thành công việc đúng hạn và không làm ảnh hưởng tới công việc của cả nhóm.” Điều quan trọng là phải trung thực và đừng bao giờ trả lời rằng: “Tôi không có điểm yếu nào cả”.
Hãy tưởng tượng bạn là một dụng cụ làm bếp, vậy bạn sẽ là loại dụng cụ nào và tại sao? Những câu như vậy không thường xuyên được hỏi, nhưng nếu có, hãy cố gắng thoải mái và tự tin khi trả lời. Đó là những câu hỏi để kiểm tra tư duy phản biện và khả năng tự vận động suy nghĩ của bạn. Hãy đảm bảo nhấn mạnh cá tính của bạn khi trả lời và khiến câu trả lời của bạn trở nên vui vẻ và thú vị (tất nhiên là phải thích hợp nữa). Và cho câu hỏi về dụng cụ nhà bếp? Bạn có thể cân nhắc trả lời: Tôi là dụng cụ mở hộp. Thậm chí mặc dù đó không phải là loại dụng cụ quan trọng đầu tiên trong bếp, nó thật sự là một dụng cụ cần thiết cho mỗi bữa ăn.
Nếu bạn không có câu trả lời và cảm thấy hơi hoảng sợ, hít một hơi thật sâu và hãy hỏi một cách tự tin và bình tĩnh rằng liệu bạn có thể trả lời câu hỏi này sau được không. Tránh nói lan man và đừng để lộ ra sự lo lắng của mình. Sẽ tốt hơn nếu bạn lấy tự tin bằng một vài câu hỏi khác (dễ hơn) và sau đó quay trở lại với những câu hỏi khó. Mặc dù vậy phải cảnh báo rằng: Đừng phụ thuộc quá nhiều vào mẹo này và chỉ yêu cầu trì hoãn khi thực sự cần thiết; nếu yêu cầu trì hoãn quá nhiều lần có thể khiến bạn trông có vẻ như là thiếu chuẩn bị.
Đến sớm là đúng giờ
Các cuộc phỏng vấn thường bắt đầu sau một vài phút so với lịch đã hẹn nhưng bạn nên có mặt trong phòng chờ trước đó khoảng 10 phút để tạo ấn tượng tuyệt vời. Hãy sắp xếp đến sớm để bạn có đủ thời gian làm quen với môi trường văn phòng và cảm thấy thoải mái hơn.
Luôn luôn chuẩn bị một câu hỏi
Việc đặt câu hỏi là một cách đơn giản mà bạn đừng bao giờ bỏ qua để thể hiện tư duy phản biện của mình, chẳng hạn “Có lý do gì để tôi không được nhận không?”. Nếu bạn thấy bất kỳ biểu hiện nghi ngờ hay do dự nào từ phía người phỏng vấn, đây chính là cơ hội để bạn làm rõ về yêu cầu công việc và cung cấp thêm thông tin về bản thân.
Lịch sự nhất có thể
Đơn giản nhưng không kém phần quan trọng, hãy nhớ để tâm đến cách cư xử của bạn trong suốt cuộc phỏng vấn. Hãy tắt điện thoại di động hoặc để chế độ im lặng; chào người phỏng vấn bằng một cái bắt tay chắc chắn và một nụ cười; tích cực lắng nghe khi người phỏng vấn lên tiếng và không ngắt lời họ; giao tiếp bằng mắt và bình tĩnh; cảm ơn người phỏng vấn đã dành thời gian và cơ hội gặp gỡ…
Tránh những điều dưới đây
Đừng đến muộn, tỏ ra thô lỗ hay nói xấu ông chủ hoặc đồng nghiệp cũ của bạn. Nóii dối, chia sẻ quá nhiều, hay đùa cợt không đúng lúc hoặc cố gắng cướp lời là những cách “tuyệt vời” khác để tạo ấn tượng xấu. Ăn một chiếc bánh sandwich hành tây trên một chiếc bánh hạt poppy ngay trước khi phỏng vấn cũng có thể có “hiệu quả” tương tự. Nếu bạn tới đúng giờ, trông thanh lịch, vui vẻ và hòa đồng, khá chắc rằng bạn sẽ có một khởi đầu tốt.
Nguồn: https://diaoc5sao.vn/